4 món xôi vừa nóng hổi vừa ngon cho tối cuối tuần quây quần cùng gia đình
Món xôi nào cũng ngon mềm, hấp dẫn, đảm bảo sẽ khiến các thành viên trong gia đình của bạn thích thú thưởng thức.
1. Xôi sắn
Nguyên liệu:
- Gạo nếp: 400g
- Sắn: 1 củ to
- Hành hoa, dầu ăn, muối
- Ruốc thịt hoặc muối vừng ăn kèm tùy thích
Cách làm:
Sắn tươi mua về lột sạch vỏ ngoài, cắt miếng vừa ăn rồi ngâm vào nước lạnh có pha chút muối ít nhất 3 giò đồng hồ để khử bớt nhựa sắn.
Trong khi ngâm khi thấy nước đục thì thay nước vài lần để sạch nhựa hoàn toàn. Sau khi ngâm xong vớt sắn lên rửa lại thật sạch, để ráo nước.
Cho sắn vào nồi, đổ ngập nước và đun sôi chừng 10 phút để sắn ra hết vị chát. Không cần đun đến khi sắn chín mà chỉ đun sắn cho đến khi sắn hơi trong thì đổ ra rổ thưa, để ráo nước.
Gạo nếp chọn loại nếp nương hoặc nếp cái hoa vàng dẻo ngon, vo sạch, để ráo nước rồi cho vào nồi cơm điện.
Cho sắn đã luộc sơ vào nồi cơm điện trộn chung với gạo, thêm nước sâm sấp mặt gạo và cho thêm 1/2 thìa cà phê muối vào nồi.
Bật chế độ nấu cho đến khi xôi sắn sôi đều thì dùng thìa đảo đều nồi xôi lên cho gạo nếp và sắn ngấm đều nước. Tiếp tục để chế độ nấu cho đến khi xôi chín.
Trong thời gian chờ xôi sắn chín, sơ chế sạch hành hoa, thái nhỏ. Cho hành hoa vào bát, thêm vào 2 thìa dầu ăn và cho vào lò vi sóng quay 15 giây để làm mỡ hành ăn kèm với xôi.
Xôi sắn chín dẻo thơm, cho xôi ra bát hoặc đĩa, chan đều mỡ hành lên trên xôi và rắc thêm ít ruốc thịt hay muối vừng và thưởng thức nóng sẽ rất ngon.
2. Xôi chim
Nguyên liệu:
- Gạo nếp: 500g
- Chim bồ câu: 1 con (300g-500g)
- Nước cốt dừa: 1 lon
- Dầu hào hoặc dầu ăn
- Bột nghệ hoặc mỡ gà (tùy chọn)
- Hành khô, muối trắng
Cách làm:
Gạo nếp ngâm nước trước 4 tiếng hoặc qua đêm cho nở bớt rồi vớt ra để ráo. Cho 1/2 thìa nhỏ muối trắng vào trộn đều với gạo nếp trước khi đồ xôi. Nếu muốn xôi có màu vàng đẹp bắt thì bạn cho 2 thìa bột nghệ hòa tan vào nước ngâm gạo nếp.
Dùng tay bốc từng nắm gạo dải đều lên bề mặt chõ để gạo được tơi. Dùng thìa tạo 5,6 lỗ thông hơi để xôi đồ được chín đều.
Bắc nồi lên bếp, đổ 1 lượng nước bằng 1/3 nồi. Đun sôi nước rồi bắc chõ vào bắt đầu đồ. Đậy vung, để lửa vừa đảm bảo nước bên dưới sôi lục bục. Đồ khoảng 30 phút là xôi chín.
Chim bồ câu sau khi đã làm thịt sạch sẽ, chặt bỏ phần chân và đầu. Chặt chim thành các miếng nhỏ rồi băm nhuyễn cả xương (nhớ bỏ phần phao câu).
Cho thịt chim vào bát rồi ướp với: 1/2 thìa bột canh, 1/2 thìa dầu hào (hoặc dầu ăn). Trộn đều và ướp thịt chim 30 phút.
Lúc này xôi cũng đã chín tới, bạn mở vung và rưới vào 1/2 chén nước cốt dừa, dùng đũa xới đều xôi và đồ thêm khoảng 10 phút.
Hành khô là nguyên liệu cần thiết để ăn cùng xôi chim (giống như khi ăn món bánh cuốn). Hành tím bóc vỏ, thái lát vỏng vừa rồi phi trên chảo dầu với lửa nhỏ. Khi hành khô lại và chuyển sang màu vàng ruộm thì chắt kiệt dầu, xúc hành ra bát.
Dùng luôn chảo dầu vừa làm hành khô ở trên. Đun nóng chút dầu ăn rồi cho thịt chim vào xào. Cho thêm 1/3 số hành khô vừa làm xong vào xào cùng. Khi thịt chim chín cũng là lúc xôi bạn đồ cũng đã xong.
3. Xôi khúc
Nguyên liệu:
- Gạo nếp: 500 gr
- Đậu xanh không vỏ: 200 gr
- Thịt ba rọi: 180 gr
- Hành lá, hành tím, lá chuối
- Rau khúc: 1 kg
- Bột nếp: 200 gr
- Bột tẻ: 100 gr
- Gia vị: tiêu, muối, đường, nước mắm, hạt nêm
Cách làm:
Gạo nếp: Bạn vo sạch, cho nước vào ngâm qua đêm hoặc ít nhất 7 tiếng cho gạo nở mềm và dẻo. Sau đó, vớt ra, để ráo.
Đậu xanh: Bạn cũng ngâm với nước và chút muối qua đêm hoặc trong vài tiếng cho đến khi đậu xanh nở. Sau đó, đem đậu xanh đi hấp chín với chút xíu muối và tiêu, rồi bắc xuống, để nguội rồi giã nhuyễn.
Thịt ba rọi: Rửa sạch, có thể rửa qua với nước muối để khử mùi hôi, xả lại với nước rồi ướp thịt với tiêu xay, hành khô, 1 muỗng canh nước mắm, ½ muỗng café hạt nêm, trộn đều và để yên trong 30 phút cho thịt ngấm gia vị.
Khi thịt đã ngấm gia vị thì bạn bắc chảo lên bếp, cho chút dầu ăn vào đợi sôi thì cho tiếp hành tím băm nhỏ vào phi lên cho thơm, thả phần thịt vào và nê, nếm gia vị cho vừa ăn rồi xào cho thịt vừa chín tới thì tắt bếp, vớt ra để trên giấy thấm cho hút dầu.
Sau đó, bạn lấy phần đậu xanh giã nhuyễn cho vào tô đựng thịt, trộn đều rồi dùng tay vo thành những viên tròn nhỏ, nắm thật chặt để viên xôi thành phẩm đẹp mắt, cứ thế cho hết phần nguyên liệu.
Rau khúc đem đi rửa sạch, vẫy cho ráo nước rồi thái nhỏ, rồi cho vào máy xay, xay nhuyễn với chút nước lấy nước cốt.
Cho phần bột nếp và bột tẻ vào 1 thau và cho từ từ nước cốt rau khúc vào nhào đều tay cho bột thật mịn dẻo, ấn nhẹ không dính tay, bạn có thể cho vào 1 chút xíu dầu ăn để bột không dính tay bạn.
Dùng tay vo bột thành những viên tròn rồi ấn dẹt rồi dùng chúng để bọc viên đậu xanh thịt cho thật kín. Bạn làm tuần tự cho đến khi hết phần thịt đậu xanh viên.
Bạn lấy phần gạo nếp ráo nước trộn với chút muối. Bạn lấy khay dùng để hấp và lót lá chuối vào dưới đáy, thoa nhẹ 1 lớp dầu ăn và cho vào một nữa lượng gạo nếp.
Bạn xếp những viên thịt đậu xanh đã được bọc bột vào khay. Lưu ý, không để các viên sát nhau. Sau khi xếp hết thì cho tiếp lượng gạo còn lại phủ lên.
Cho khay hấp vào nồi cơm điện, hấp trong khoảng 45 phút. Lưu ý, trong khi hấp thỉnh thoảng bạn mở nắp nồi và lau phần nước, tránh làm rơi xuống và làm bỡ phần xôi.
Khi xôi chín thì bạn chỉ việc lấy ra dùng ngay khi còn nóng là ngon nhất. Ngoài ra, bạn có thể rắc thêm chút hành phi thì xôi sẽ càng thơm hơn.
4. Xôi lạc
Nguyên liệu:
- Gạo nếp 500 gr
- Đậu phộng 200 g
- Nước cốt dừa 50 ml
- Dừa nạo 200 gr
- Muối ăn 1/3 thìa cà phê
Cách làm:
Gạo nếp bỏ đi hạt sâu, tạp chất, vo nhẹ nhàng, đều tay để gạo không mất đi chất dinh dưỡng vốn có.
Lạc vo sạch, bỏ những hạt nổi trên mặt nước, vo xong ngâm trong nước 3 đến 4 tiếng để lạc mềm, nấu sẽ ngon hơn. Gạo và lạc sau khi đã ngâm xong, bạn nhấc ra, để ráo nước. Tiếp đến, bạn trộn đều gạo, lạc và 1/3 muỗng muối ăn thật kỹ.
Cho gạo và lạc đã trộn vào nồi cơm điện. Sau đó, bạn đổ nước ấm xâm xấp mặt gạo (không đổ quá nhiều) để tránh xôi bị nát, xoắn nhiều lỗ nhỏ trên bề mặt gạo. Bật nút nấu cơm và để cho quá trình nấu được thực hiện.
Sau khi nút cook chuyển sang nút warm chừng 5 phút, bạn mở lại nồi cơm, trộn đều nước cốt dừa cùng với xôi để gia tăng độ hấp dẫn cho xôi lạc. Trộn xong, bạn bật lại nút cook một lần nữa và để cho xôi chín hẳn.
Khi nồi cơm điện nẩy lại nút warm một lần nữa tức là món xôi lạc của bạn đã hoàn thiện. Mùi thơm ngậy nức mũi của xôi kèm với lạc sẽ làm ấm bụng cả gia đình trong tiết đông se lạnh này.
Haru (Tổng hợp)
Ảnh: ST