15 món ngon nhắc đến là chảy nước miếng ở Sài thành
Cơm tấm
Nhắc đến Sài Gòn món đầu tiên mà bất kỳ ai nghĩ đến có lẽ là cơm tấm. Đây là món ăn phổ biến đến nỗi ở Sài Gòn người dân ăn món này từ bữa sáng cho đến bữa tối.
Món này có tên là Cơm Tấm vì trước đây món này được nấu từ gạo “tấm” có nghĩa là loại gạo nứt, vỡ, hình thức xấu chứ không được nguyên hạt như loại gạo đắt tiền. Phổ biến nhất là cơm tấm sườn nướng, nhưng các quán cơm luôn phục vụ các loại khác nữa như cơm tấm gà quay, cơm tấm sườn bì chả… Đĩa cơm luôn được phục vụ kèm dưa góp, một bát canh và một chén nước mắm chua ngọt để suất cơm trở nên đậm đà và hấp dẫn hơn.
Bánh tráng trộn
Người ta vẫn hay bảo Sài Gòn là nơi mà người dân tứ xứ tụ về làm ăn, mua bán, thế nên Sài Gòn làm gì có “đặc sản” vì đã bị pha trộn hết rồi. Ngẫm kĩ điều này vừa đúng vừa không đúng. Một số món ăn “đặc sản Sài Gòn” bây giờ là du nhập từ các tỉnh khác, nhưng ở thành phố phồn hoa này, chúng được tô vẽ, được biến tấu, trở thành món ăn độc nhất mà chẳng thể tìm thấy mùi vị thế này ở đâu ngoài Sài Thành.
Khi đến Sài Gòn, bánh tráng trộn được biến tấu thêm đủ thứ, nào là khô bò, nào là rau răm, xoài chua… và trở thành đặc sản Sài Gòn đích thực từ khoảng 8 – 9 năm trở lại đây. Bây giờ một gói bánh tráng trộn “đúng chuẩn” Sài Gòn có không dưới 10 thành phần nguyên liệu. Có thể tìm ăn món này ở mọi cổng trường học, công viên… với giá từ 10.000đ đến 20.000đ.
Phá lấu
Nguyên liệu chính của món này là nột tạng heo hay bò. Phần cạnh tranh về tài nấu ăn của mỗi quán phụ thuộc vào phần tẩm ướp gia vị. Nhưng ngon nhất, thì phần “cái” của món phải có độ mềm, độ sần sật vừa phải, phần nước dùng hơi sệt, béo mà không ngấy, đậm mà không gắt.
Món phá lấu phải dùng cây xiên từng miếng lên ăn mới ngon chứ điệu đàng dùng đũa, dĩa hay muỗng lại có cảm giác như vị ngon giảm đi một nửa. Nước chấm ăn kèm, ngoài nước hầm xăm xắp chung với phá lấu còn phải có thêm chén nước mắm chua chua ngọt ngọt, hòa quyện vào nhau thật đậm đà.
Vừa nhâm nhi từng miếng lòng non sừn sựt, miếng bánh mì với nước dùng đậm đà vừa trò chuyện với bạn bè sau giờ tan học thì không có gì thú vị hơn.
Gỏi khô bò
Với vị ngọt của nước bò, giòn của đu đủ, gỏi khô bò cũng là món yêu thích của người Sài Gòn. Có giá khoảng 15.000 đồng đến 18.000 đồng một đĩa, nhiều bạn trẻ khi nhạt miệng thường kéo nhau đi ăn gỏi khô bò. Nơi bán gỏi khô bò ngon nổi tiếng nhất có lẽ là ở công viên Lê Văn Tám, quận 3.
Khi đến nơi, sẽ có người mang ra một miếng lót để bạn ngồi quanh gốc cây. Sau khi gọi món, một người sẽ mang đĩa gỏi khô bò ra cho bạn. Gỏi khô bò ở công viên Lê Văn Tám chỉ là quán vỉa hè nhưng đã tồn tại chục năm. Ở đây người bán cho thêm vài miếng bánh phồng giòn lên trên đĩa khô bò nên vị lạ không lẫn vào đâu được.
Hủ tiếu Nam Vang
Hủ tiếu Nam Vang còn được gọi là một món ăn “đa sắc tộc” vì nó có nguồn gốc từ Campuchia, nhưng lại do người Hoa chế biến. Hủ tiếu là một món cũng phổ biến không kém so với cơm tấm ở đất Sài Thành nhưng hủ tiếu Nam Vang thì còn đặc biệt hơn nữa. Đặc biệt vì sự đa dạng của các loại nguyên vật liệu. Hủ tiếu Nam Vang nguồn gốc có thịt heo miếng và thịt heo băm nhỏ nhưng ở Sài Gòn thì có nhiều loại ăn kèm hơn như: tôm, gan, trứng cút, mực… Và không thể thiếu khi thưởng thức hủ tiếu Nam Vang là các loại rau ăn kèm như rau cần, tần ô, hẹ, xà lách, giá… Có 2 cách ăn hủ tiếu là hủ tiếu khô và hủ tiếu nước. Hủ tiếu khô được thêm chút xì dầu, tỏi phi và một bát nước dùng riêng.
Sủi cảo
Vốn là món ăn của người Hoa, nhưng trở nên phổ biến ở Sài Gòn. Con đường bán sủi cảo ngon nhất phải nói đến đường Hà Tôn Quyền, quận 5. Món này hơi giống hoành thánh, nhưng bên trong có thêm tôm và thịt nạc xay. Bạn dùng nĩa ghim sủi cảo rồi chấm vào tương đen pha tương đỏ. Một tô sủi cảo còn có thêm bong bóng cá, da heo, mựa… Đến quán sủi cảo, bạn còn có thể thử qua món sủi cảo chiên hoặc mì sủi cảo.
Các món ốc
Sài Gòn không phải thành phố biển, nhưng nếu đến đây bạn không đi ăn ốc một bữa thì xem như chưa thật sự “chơi” ở thành phố này. Ốc ở Sài thành là cả một “lối sống” chứ không chỉ là món ăn nữa. Một hàng ốc Sài Gòn dễ có đến gần 20 loại ốc, với đủ các kiểu chế biến riêng cho từng loại: nướng, hấp, luộc, xào rau muống, xào tỏi, xào bơ, xào me…
Bạn không thể chỉ đi ăn ốc một bữa mà nếm hết các loại ốc Sài thành vì thực đơn thì dài, mà bao tử thì có hạn. Thế nên nếu muốn thật sự hiểu về ốc Sài Gòn, bạn hãy chuẩn bị sẵn tâm lý mỗi chiều tà, đi cùng nhóm bạn, đến mỗi hàng ốc khác nhau và thử hết các loại ốc, các cách chế biến của từng loại. Những hàng ốc nổi tiếng ở Sài Gòn có thể kể đến như: khu ốc quận 4, Ốc Đào, Ốc Như Điện Biên Phủ, Ốc Thảo Hoàng Diệu…..
Đồ nướng
Không phải tự dưng mà người dân Sài Gòn thích hẹn hò nhau đi ăn vặt, nhất là vào mùa mưa thì cái thú ăn vặt lại càng quyến rũ. Ngồi nhâm nhi món này món kia, nói chuyện phiếm, đó là một cách để mang lại niềm vui cho một ngày bận rộn của người Sài Gòn. Người Sài Gòn nói “đi chơi” tức là phải có “đi ăn”. Gần như món ăn vặt nào cũng có thể ăn nhanh, ăn tranh thủ được, nhưng nếu ăn đồ nướng nhất định phải rề rà, từ tốn, nhai chậm để mùi khói, vị cháy cạnh của món nướng lan tỏa trong khoang miệng, xoa dịu cái lạnh ẩm ướt của ngày mưa rào.
Thú vui của việc ăn đồ nướng mùa mưa, một phần nằm ở việc có bạn bè quây quần bên bếp lửa tỏa khói, giành nhau chí chóe một miếng thịt bé tí cháy cạnh, sự ấm cúng đó cũng đáng quý như bữa cơm gia đình vậy. Món nướng ở miền Nam đặc biệt thích ướp thật thấm vị, ướp mặn mòi và phải có sả, có tỏi băm, không nhiều cũng phải có ít. Một khi đã gọi là đồ nướng, xiên nướng…thì gần như cái gì ít thịt mà dễ nhâm nhi, tỉ mỉ lẩy ra cái ngon trong cái xương xẩu đều được đem đi nướng. Ví như chân gà nướng muối ớt – một món ăn vặt rất đậm chất Sài Gòn, sụn gà nướng, ếch nướng, lòng heo lòng gà nướng…
Bánh mì thịt
Bánh mì thì dọc dải đất hình chữ S này đâu chẳng có, nhưng chỉ Sài Gòn mới có đến 22 loại nhân bánh mì khác nhau để bạn tha hồ lựa chọn. Tuy nhiều loại nhân như thế nhưng ngon và phổ biến nhất ở Sài Gòn chính là bánh mì thịt. Bánh mì thịt có ở khắp nơi, từ những tiệm bánh có tiếng là đắt xắt ra miếng cho đến những xe bánh mì rong có ở khắp mọi nơi trong thành phố.
Phần nhân thịt của mỗi tiệm bánh mì đều có chút khác nhau nhưng nhìn chung một chiếc bánh mì thịt phải có đến hàng chục thành phần gồm pate, bơ, chả, jambon, giò chả, nước xốt tự chế, các loại rau dưa ăn kèm… Một chiếc bánh mì to đầy nhân, cắn “ngập miệng” giá từ 10.000đ đến gần 30.000đ sẽ khiến bạn không thể quên được thành phố phương nam nhộn nhịp này.
Bò bía
Món ăn vặt này nổi tiếng ở Sài Thành ngay từ những năm 45, thời mà nữ sinh còn mặc áo dài trắng và chở nhau trên xe đạp cũ kĩ qua những con đường ươm đầy lá me. Dù không ngon xuất sắc nhưng nếu ra khỏi thành phố này, bạn sẽ rất khó tìm ăn bò bía ở các tỉnh khác.
Bò bía gồm lớp bánh tráng mỏng, cuốn bên trong là củ cải trắng hay củ sắn hấp mềm, con ruốc được rang mặn ngọt, một ít rau xà lách, rau thơm và vài lát lạp xưởng. Bò bía được dọn ăn kèm với tương ngọt, đậu phộng rang và đồ chua. Cuốn bò bía nhỏ, nhờ thế mà ăn vui miệng, lại chẳng nhiều thịt thà nên ăn vặt thì cực hợp. Hiện nay, bò bía vẫn bán nhiều trên các xe đẩy ở Sài Gòn, nhưng nếu muốn tìm ăn, bạn có thể đến khu ăn vặt đối diện trường đại học Sài Gòn quận 5. Đây có lẽ là nơi hiếm hoi còn sót lại trong thành phố vẫn còn nhiều hàng trung thành bán bò bía.
Gỏi cuốn
Gỏi cuốn khác gì bò bía? Đây là câu hỏi luôn thường trực với khách du lịch vì thoạt trông, hai món này khá giống nhau khi cùng là bánh tráng cuốn nhân bên trong, chấm với tương. Nhưng gỏi cuốn và bò bía là hai món hoàn toàn khác biệt. Gỏi cuốn to hơn bò bía, phần nhân bên trong có bún, rau sống, thịt heo luộc hay tai heo luộc, tôm luộc đã bóc vỏ.
Gỏi cuốn là món ăn no, khi ăn chấm với mắm nêm pha hoặc tương, chỉ khoảng 3 – 5 cuốn là người ăn đã no “ứ hự”. Một cuốn gỏi có giá từ 5.000đ trở lên tuỳ thành phần bên trong nhiều hay ít thịt, tuỳ nơi bán là “sang chảnh” hay bình dân. Gỏi cuốn dễ ăn trong khí hậu đỏng đảnh nóng nực của thành phố phương Nam này, dùng để ăn trưa những ngày oi nồng hay ăn xế lót dạ sau khi tan sở đều hợp.
Bột chiên
Bột chiên là món ngon vốn gốc từ người Hoa ở khu quận 5, quận 11 của thành phố. Nhưng vì quá hấp dẫn, mà bột chiên đã dần “phủ sóng” khắp thành phố và trở thành một trong những món ăn đặc trưng của Sài thành. Bột chiên thật ra rất đơn giản, chỉ là những khối bột gạo được xắt vuông vừa ăn, xóc qua hắc xì dầu, nước tương, chiên trên chảo cho vàng giòn mặt ngoài, nóng bên trong, cùng với trứng, hành lá.
Đĩa bột chiên thơm nức mũi, bên ngoài giòn rộm, bên trong mềm lại có trứng bùi béo được ăn kèm với đồ chua và chấm với nước tương dấm có vị chua ngọt khiến ai nếm cũng phải mê. Và du khách khi đã nếm một lần rồi khi rời đi chắc chắn sẽ đôi lần thèm, nhớ.
Nem Thủ Đức
Với người dân Thủ Đức, nem là món ăn có truyền thống lâu đời, là một món khoái khẩu của các cụ từ xa xưa, mùa hè nhắm với bia, mùa đông nhắm với rượu đều thích. Cho đến bây giờ, nem Thủ Đức vẫn là món ăn chơi rất phổ biến và được bán chạy tại Sài Gòn. Trong đó, nổi tiếng nhất và thu hút đông thực khách bốn phương đến thưởng thức hoặc mua về làm quà tặng cho người thân là những hàng nem quanh chợ.
Nem Thủ Đức nổi tiếng nhờ hương vị đặc biệt riêng. Chiếc nem tươi màu đỏ hồng, lại điểm thêm những hạt tiêu đen và vài lát tỏi cắt mỏng, khi ăn có vị ngọt của thịt và vị chua dịu do lên men.
Bánh canh ghẹ
Bánh canh là món ăn phổ biến ở các tỉnh vùng biển phía Nam, từ Đà Nẵng trở vào. Sợi bánh canh làm từ bột năng hoặc bột gạo, to hơn sợi bún ngoài Bắc, màu trắng hơi trong trong, ăn dai hơn bún. Có rất nhiều loại bánh canh như bánh canh giò heo, bánh canh tôm, bánh canh chả cá… nhưng ngon và đặc sắc nhất vẫn là bánh canh ghẹ. Bánh canh ghẹ không còn xa lạ với người Sài Gòn, cũng chẳng ai rõ, xuất xứ của bánh canh ghẹ là từ đâu. Vậy nhưng bánh canh ghẹ ở đâu ngon nhất, thì có lẽ người Sài Gòn ai ai cũng biết, đó chính là những hàng bánh canh ghẹ ở khu vực Cầu Bông, quận Bình Thạnh.
Món ăn gây ấn tượng với thực khách bởi sự hài hoà tuyệt đẹp giữa màu đỏ au của con ghẹ và màu vàng ươm của nước dùng.
Lẩu cua biển
Ở Sài Gòn, nói đến lẩu cua là nói đến cua biển. Và dù có biến tấu như thế nào thì món ăn vẫn giữ được hương vị thanh mát và thơm ngon đặc trưng vốn có.
Nguyên liệu để tạo nên món lẩu này gồm cua biển to, tươi ngon.
Một nồi lẩu chỉ thật sự hấp dẫn khi có thêm vị nồng của cua đồng, vị thơm của hành phi, gạch cua, nước dùng có màu nâu đậm được điểm xuyết thêm màu đỏ của cà chua, xanh của hành lá, thoang thoảng hương thơm của ngò rí…
Món ăn sẽ không thể hấp dẫn nếu thiếu rau dùng kèm. Rau để ăn với món lẩu cua biển không thể thiếu mướp hương (tạo thêm vị ngọt thanh cho nước lẩu), mồng tơi, hoa chuối, rau muống… ăn cùng với bún, kèm chén nước mắm mặn và ít ớt cắt khoanh.
Tùng Anh (th)/Báo Gia đình & Xã hội
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.