TopTit.Com

Giới thiệu chung về Nha Trang

0 0

Nha Trang được Thủ tướng chính phủ Việt Nam công nhận là đô thị loại I vào ngày 22 tháng 4 năm 2009.

Thành phố Nha Trang cách Thủ đô Hà Nội 1.280km, cách Sài Gòn 448km, Cố đô Huế 630km, nằm ở vị trí trung tâm tỉnh Khánh Hòa, phía Bắc giáp thị xã Ninh Hòa, Nam giáp thành phố Cam Ranh, Tây giáp huyện Diên Khánh, trong một thung lũng núi vây 3 phía Bắc – Tây – Nam và tiếp giáp với bờ biển về phía Đông. Sông Cái Nha Trang và sông Cửa Bé chia Nha Trang thành 3 phần, gồm 27 xã, phường. Trước khi trở thành phần đất của Việt Nam, Nha Trang thuộc về Chiêm Thành. Các di tích của người Chăm vẫn còn tại nhiều nơi ở Nha Trang như các tháp Chàm, tháp Bà Ponagar.

Nhiều dấu tích Chăm vẫn hiện hữu ở Nha Trang (Ảnh – hn.hanguyen)

Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên “Nha Trang” được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang (có nghĩa là “sông Lau”, tên người Chăm xưa gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

Nha Trang những năm 70 (Ảnh – Tommy Truong79)

Từ năm 1653 đến giữa thế kỷ XIX, Nha Trang vẫn là một vùng đất còn hoang vu và nhiều thú dữ thuộc Hà Bạc, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh. Chỉ qua hai thập niên đầu thế kỷ XX, bộ mặt Nha Trang đã thay đổi nhanh chóng. Với Nghị định ngày 30 tháng 8 năm 1924 của Toàn quyền Đông Dương, Nha Trang trở thành một thị trấn . Thị trấn Nha Trang hình thành từ các làng cổ: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Hải.

Thành phố Nha Trang khi đã lên đèn (Ảnh – minhhuynh3006)

Thời Pháp thuộc, Nha Trang được coi là tỉnh lỵ của Khánh Hòa. Các cơ quan chuyên môn của chính quyền thuộc địa như Tòa Công sứ, Giám binh, Nha Thương chánh, Bưu điện… đều đặt tại Nha Trang. Tuy nhiên, các cơ quan Nam triều như dinh quan Tuần vũ, Án sát (coi về hành chánh, tư pháp), Lãnh binh (coi việc trật tự trị an) vẫn đóng ở Thành Diên Khánh (cách Nha Trang 10 km về phía Tây Nam).

Để Lại Bình Luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật thông tin.