TopTit.Com

Hủ tiếu Mỹ Tho: Hương vị thân quen mà tinh tế từ miền Tây

0

Nếu miền Bắc có phở, miền Trung lừng danh với bún bò Huế thì hủ tiếu Mỹ Tho là đại diện xuất sắc trong vô vàn món ngon của ẩm thực vùng sông nước Nam Bộ.

Hủ tiếu là món ăn truyền thống của người Hoa, du nhập vào nước ta khoảng thập niên 60 của thế kỉ 20 từ các xe, cửa hiệu ven đường cùng những tên gọi quen thuộc với người miền Tây như Vĩnh Ký, Tuyền Ký, Hưng Ký, Gia Ký…

Những quán hủ tiếu của người Việt gốc Hoa trải rộng từ Mỹ Tho tới Gò Công rồi lên Cái Bè, Cai Lậy. Theo thời gian, hủ tiếu được chế biến cho phù hợp với khẩu vị địa phương và tên gọi “hủ tiếu Mỹ Tho” đã trở thành đặc sản nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang, được nhiều du khách biết đến.

Hủ tiếu Mỹ Tho: Hương vị thân quen mà tinh tế từ miền Tây

Sợi hủ tiếu Mỹ Tho trong, giòn, dai và không bị bở (Ảnh: Yuht Nguyen)

Bột để làm hủ tiếu phải được xay từ những hạt gạo Gò Cát, một loại lúa đặc sản thường được trồng ở xã Mỹ Phong. Đặc trưng của loại gạo này là sợi hủ tiếu trong, giòn và dai hơn các loại hủ tiếu khác, không bị bở nhưng cũng không quá dai như miến hoặc miến dong ở miền Bắc.

Hủ tiếu Mỹ Tho chính gốc là hủ tiếu tươi được làm bằng bột gạo, không pha bột mì hay bột lọc, sợi hủ tiếu dẻo, không mặn, vị hơi chua và có mùi thơm của gạo, khi dùng chỉ cần trụng sơ với nước lèo (nước dùng) nóng.

Hủ tiếu Mỹ Tho: Hương vị thân quen mà tinh tế từ miền Tây

Tô hủ tiếu đầy đủ sắc màu của thịt xá xíu, tôm, gan, lòng, phèo… (Ảnh: Mia)

Sợi hủ tiếu nức tiếng làm nên đặc trưng cho món ăn này nhưng nước lèo ngon lại là một trong những bí quyết quan trọng để món hủ tiếu Mỹ Tho thêm phần hấp dẫn. Nước lèo có vị ngọt từ xương được ninh nhừ bởi giò heo, xương ống, thêm đôi ba con khô mực, tôm khô chấy mỡ hành cùng củ cải trắng, hành phi và hành lá xắt nhuyễn.

Nước lèo trong vắt hấp dẫn, mùi thơm và vị ngọt đặc trưng được tạo nên từ những gia vị “bí truyền” cùng kỹ thuật pha chế điêu luyện của người đầu bếp tài hoa, tạo điểm nhấn cuốn hút thực khách.

Hủ tiếu Mỹ Tho: Hương vị thân quen mà tinh tế từ miền Tây

Có thể ăn hủ tiếu với nước dùng ngọt thanh hay hủ tiếu khô với chén nước sốt đậm đà (Ảnh: Yuht Nguyen)

Khác với hủ tiếu Nam Vang, phở Bắc hay bún bò Huế thường ăn với rau sống, rau thơm, rau xà lách, các món ăn kèm chủ yếu của hủ tiếu Mỹ Tho là rau giá, hẹ, rau cần tàu, hành phi, chanh, ớt, nước tương hoặc nước mắm nguyên chất. Sau khi trụng sơ trong nước sôi, sợi hủ tiếu được trộn đều với mỡ hành để cọng hủ tiếu thêm bóng đẹp và không dính vào nhau.

Một tô hủ tiếu Mỹ Tho ngon đúng điệu sẽ chỉ được múc khoảng 1/3 vá (muôi) to thịt nạc băm ướp sẵn vào một cái tô đã có hủ tiếu trụng sẵn. Sau đó, người bán múc thêm một vá nước lèo sôi sùng sục đổ vào tô.

Hủ tiếu Mỹ Tho: Hương vị thân quen mà tinh tế từ miền Tây

Vị ngọt đặc trưng của nước lèo được tạo nên từ những gia vị “bí truyền” (Ảnh: Food Stylist)

Tô hủ tiếu với đầy đủ sắc màu của thịt xá xíu, gan heo, lòng (phèo) heo, tóp mỡ vàng, trứng cút trắng, màu đỏ bắt mắt của tôm thẻ, xanh dịu mát của rau cần tàu cùng các loại rau xắt nhỏ như ngò tây, hành lá, cải thảo và màu vàng ruộm của hành phi thơm lừng.

Ngoài ra, một số nhà hàng còn biến tấu món hủ tiếu truyền thống thành nhiều phiên bản để thực khách có thêm lựa chọn khi thưởng thức như hủ tiếu khô, hủ tiếu chay, hủ tiếu bò kho… Một số quán nấu theo phong cách người Hoa thường kèm thêm bánh mì, hoành thánh… giúp tô hủ tiếu càng thêm đậm đà, hấp dẫn.

Hủ tiếu Mỹ Tho: Hương vị thân quen mà tinh tế từ miền Tây

Hủ tiếu Mỹ Tho chính gốc là hủ tiếu tươi được làm bằng bột gạo (Ảnh: zillaquiz)

Có từng thưởng thức tô hủ tiếu Mỹ Tho với hương vị thân quen, gần gũi mới hiểu vì sao món ăn này trở nên nổi tiếng gần xa. Thực khách có thể ăn hủ tiếu với nước dùng ngọt thanh hay hủ tiếu khô với chén nước sốt đậm đà được nấu theo công thức gia truyền.

Không chỉ là món ăn bổ dưỡng, cung cấp năng lượng và khoáng chất phong phú cho cơ thể mà hủ tiếu còn là kết quả của quá trình đúc kết, kế thừa tinh hoa ẩm thực qua nhiều thế hệ.

Theo: Afamily

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.